TÁC PHẨM VĂN HỌC 'TUỔI THƠ DỮ DỘI' - PHÙNG QUÁN

 TÁC PHẨM VĂN HỌC 'TUỔI THƠ DỮ DỘI' - PHÙNG QUÁN


Ngay khi nghe cái tên 'Tuổi thơ dữ dội', lòng tôi có cái gì đó nôn nao, thôi thúc tôi phải đọc nó. Tôi cứ nghĩ đây sẽ là một câu chuyện kể về một cuộc đời nào đó với tuổi thơ đầy bất hạnh, nhưng trái ngược với sự bất hạnh đó là sự sống 'dữ dội', hào hùng, vượt xa những gì tôi nghĩ. Tác phẩm dài 1010 trang, tuy dài, nhưng tôi đã đọc xong trong 10 ngày. Vì nó quá cuốn, tôi đã dành khoảng 6 tiếng mỗi ngày để đọc nó, đọc chậm rãi và cảm nhận từng lời thoại của nhân vật, đôi lúc thấy mình thật chậm chạp khi không theo kịp tốc độ chuyển động của hình ảnh mà các các con chữ tạo nên. 

Đọc tác phẩm mà cứ tưởng chừng như đang xem một phim vậy. Tất cả những lời thoại như đang cất lên ngay bên tai, và tôi là nhân vật chứng kiến 'tàng hình'. 

Khung cảnh cuộc chiến tranh hiện lên quá rõ, quá thực đến nỗi tôi có thể cảm nhận được đầy đủ các cung bậc cảm xúc của các nhân vật, thế nên, tôi vui có, tôi buồn có, tim tôi đập run lên vì hồi hộp, nước mắt tôi rơi vì thán phục, tôi uất ức vì tội ác của giặc, xong tôi biết ơn vì hiểu được cốt cách sáng ngời của những 'người lãnh đạo vĩ đại' đối với dân và với 'kẻ thù'.

Tác phẩm tái hiện cuộc chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta những năm 40, kể về các chiến sĩ ở độ tuổi 13,14, tham gia vào hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Mỗi em gia nhập đội là mỗi bản thể đại diện cho sức sống 'dữ dội' riêng. Dù xuất thân từ đâu, nhà giàu có như Quỳnh Sơn ca, hay mất cha mất mẹ như Vịnh-sưa, Vệ to đầu,.... dường như các em sinh ra đã mang trong mình giọt máu của Đảng, có sự kết nối sâu sắc với Đảng, với công cuộc giải phóng nước nhà, thế nên các em đến với Vệ Quốc đoàn mang theo một 'tâm hồn trẻ thơ đặc biệt', mà ai nấy đều thầm thán phục nhau. 

Sức sống của các chiến sĩ trong thời chiến thật can trường, thật bền bỉ và mãnh liệt. Có thể nói, đây là tác phẩm bi tráng nhất đến thời điểm hiện tại tôi may mắn đọc được, đã gỡ phần nào những băn khoăn trong tôi về tinh thần quả cảm thời chiến, giúp tôi cảm nhận và hình dung một cách cụ thể, rõ ràng về tinh thần yêu nước cao cả, sự chiến đấu hy sinh to lớn của bao chiến sĩ quân nhân, bao lãnh đạo giỏi để giành một trận thắng, rồi nhiều trận thắng, và đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng đất nước khỏi xiềng xích nô lệ của đế quốc, thực dân, và lũ người bán nước. 

Đọc đoạn mở đầu, tâm thế tôi vô cùng vui tươi, hứng khởi bởi tinh thần sôi sục khí thế ra trận của các em. Hầu hết các chiến sĩ tham gia Vệ Quốc đoàn đều có danh sách trình báo rõ ràng, thế nên, không dễ dàng chen vô hàng ngũ của đội mà không được sự chấp thuận của cấp trên, vì đội trưởng sẽ là người quản lý theo dõi quá trình tập luyện của các em, nên việc kiểm tra quân số là tất yếu. Một hôm, đội có buổi tập luyện thử thách tinh thần can đảm, gan dạ của các chiến sĩ, một cậu bé tên Mừng đã tranh thủ lúc cả đội chưa tập hợp, chen vô đứng giữa hàng. Đến lúc kiểm tra quân số, một em đứng cuối hàng bị dư ra, nhưng mãi không hiểu tại sao lại dư, thế là, đích thân đội trưởng kiểm tra, phát hiện em Mừng. Đội trưởng đuổi em ra khỏi hàng và yêu cầu quay trở về nhà. Em đã nhất quyết phải tham gia cho bằng được Vệ Quốc đoàn thì không dễ dàng gì em nghe lời đội trưởng trở về nhà. Em nấp đâu đó, chờ xem buổi tập nhảy sông đầy thách thức đối với cả đội. Tất cả các em ai nấy đều lo sợ vì không biết bơi, nhảy xuống thì nguy. Đội trưởng hiểu được tâm thế của các em lúc này, nên đã cất giọng to rõ trấn an, cổ vũ tinh thần của người chiến cách mạng, xem ra cũng chưa ăn thua. Mừng nấp lấp ló, tiến lên xung phong nhảy với giọng quả quyết làm cả đội ai cũng bất ngờ, mắt đảo căng tròn cả lên. Và chính tinh thần quả cảm của Mừng đã thuyết phục được đội trưởng cho gia nhập Vệ Quốc đoàn. Mừng nhảy trước, và các bạn nhảy theo sau. Buổi tập kết thúc trọn vẹn!

Đọc mãi đến đoạn nghe Mừng nói lý do một mực theo Vệ Quốc đoàn thì bỗng nước mắt tôi chực trào không kịp vuốt tay lau đã nhỏ giọt xuống đầm đìa hai má. Một cậu bé chỉ mới 12, 13 tuổi thôi, thân hình gầy nhom, thấp bé thế kia, mà đêm xuống lén trèo hết ngọn bút bút này đến ngọn bút bút khác hái lá cây tầm gửi ở trên ngọn cao có sương đêm phủ, phơi khô chờ ngày xin phép đội trưởng đem về cho mẹ uống chữa bệnh hen suyễn. Tình yêu của trẻ có lẽ là tình yêu đẹp nhất thế gian nhỉ?  Một đoạn khác gần cuối tiểu thuyết, mình đã khóc to hơn, buồn hơn bởi chính vì sự thật thà của Mừng đã bị Kim-điệu một thành viên của đội đã làm tay sai cho giặc lừa và làm liên lụy đến sự trong sạch của Mừng với Đảng. Đến phút Mừng nhận ra bộ mặt thật của Kim-điệu và bị hắn kéo về đồn giặc thì cũng là lúc Mừng bị cả đội nghi ngờ là Việt gian. Khi Mừng trốn về được chiến khu của đội thì chẳng một ai tin Mừng. Cậu bé lúc này vẫn ngây thơ, hiền lành, vẫn một lòng với cách mạng. Đến giây phút cậu bé hy sinh thân mình báo cáo cho đội trưởng đánh phá trận giặc vây chiến khu Hòa Mỹ, mọi hoài nghi về cậu mới được giải thoát. Mình vỡ òa ngay giây phút ấy. Những hoài nghi của đội trưởng và tất cả đội về Mừng trước sự hy sinh của Mừng, đã soi sáng một sự thật rằng không có một đứa trẻ nào lại tài tình đến nỗi diễn chân thật tấm lòng thủy chung như thế, bởi tâm hồn trẻ là tâm hồn của những xúc cảm chân thành nhất.

Một nhân vật khác tôi đã không cầm được nước mắt, ở phần đầu tiểu thuyết, và là người hy sinh đầu tiên trong đội đó là Vịnh-sưa. Mình sởn cả da gà lên khi thấy Vịnh-sưa, một thiếu niên với tinh thần kỷ luật, chỉnh chu, là tiểu đội trưởng của Mừng, người đã phát hiện Mừng khóc dưới gốc cây đêm tối và câu chuyện Mừng hái thuốc cho mẹ được tiết lộ sau đó, Vịnh-sưa đã hy sinh trên nóc nhà của giặc, thân mình cột chặt vào cột thu lôi và trong tay vẫn giữ lá cờ phát tín hiệu về đài quan sát của quân ta để tấn công vào kho đạn địch. Người chiến sĩ anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, tinh thần quyết thắng sôi sục trong máu thời chiến làm tôi phải thoắt nhìn lại cuộc sống thời bình, tôi thêm cảm phục những hy sinh vô cùng lớn lao ấy để đổi lấy nền trên tự do, không tiếng bom đạn như ngày nay. Mình thật may mắn khi tìm đọc cuốn sách này. 

Dẫu biết rằng cạm bẫy qua những lời dụ dỗ, lời hứa sáo rỗng, hoa bay nghe rất dễ mềm lòng. Thế nhưng, với tinh thần một lòng kiên trung, tinh thần sắt thép, thông minh, gan dạ, vốn là những đặc điểm của các chiến sĩ Đội thiếu niên trinh sát, thì khó lòng mà lừa được. Lượm-sứt là một trong những nhân vật điển hình được tác giả khắc họa rõ nét những đức tính, nhân phẩm  tốt đẹp của một người chiến sĩ cách mạng. Cậu bé rơi vào tay giặc hết lần này đến lần khác, mình nhớ là 3 lần thì phải, lần nào cũng chịu cực hình, đòn roi, tưởng chừng như không còn Lượm nữa. Đến lần cuối cùng vượt thoát nhà lao Côn Đảo, Lượm đã chứng minh cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của cách mạng Việt Nam với hình ảnh một chiến sĩ bất bại trước cảnh gông tù ghê tởm nhất của bọn thực dân.

Xuyên suốt hành trình sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng cao cả, giành lại độc lập nước nhà, có thể thấy mỗi sinh mạng của đồng bào, chiến sĩ, chỉ huy, tuy mong manh trước lửa đạn, nhưng tinh thần sắt thép, ý chí bền gan trước kẻ thù và một lòng yêu nước kiên trung vẫn mãi vang dội khắp các chiến khu, chiến trường. 

Đọc xong tác phẩm, mình cảm nhận được rõ một điều đó là, cuộc sống luôn nảy sinh vấn đề, khó khăn dù thời bình hay thời chiến, nhưng không bao giờ thiếu đi giải pháp, và giải pháp của mọi vấn đề nằm ở việc nghĩ tích cực, vững tâm. Người thông minh, thấu hiểu rộng, lòng nhân ái thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ biết cách thích nghi. Nhưng nếu chỉ có lòng yêu thương, còn trí tuệ lại không sâu thì sẽ không tránh khỏi sự thất bại trước các biến cố cuộc đời. Vậy phải sống thế nào để được trọn vẹn và ý nghĩa một đời? Không còn cách nào khác đó là luôn luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng, lấy sự siêng năng cần cù để nâng cấp sự hiểu biết của mình với thế giới và đồng thời rèn tâm vững trước mọi biến động.

Luôn luôn để ý niệm ấy hiện hữu trong ý thức và tiềm thức của mình nhé!
Và luôn luôn biết ơn những nổ lực, thành quả dù nhỏ nhất nhé! 
 















  



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Cái Tên Saella

TRẢI NGHIỆM NĂM CUỐI - TẬP 1